Bạn có biết rằng, cứ mỗi 4 người trưởng thành thì có 1 người mắc bệnh cao huyết áp? Và đáng sợ hơn, nhiều người trong số họ thậm chí còn không hề hay biết về tình trạng sức khỏe của mình.
Điều này vô cùng nguy hiểm, bởi vì bệnh cao huyết áp là một “kẻ giết người thầm lặng” và gây ra nhiều biến chứng nghiêm trọng nếu không được kiểm soát tốt.
Thông qua bài viết này, Unity Fitness chia sẻ thông tin đến bạn những kiến thức sức khỏe liên quan đến biến chứng của bệnh cao huyết áp để người bệnh biết cách phòng ngừa và kiểm soát nó hiệu quả nhất nhé.
Các biến chứng của bệnh cao huyết áp không nên xem thường
Suy tim
Tình trạng huyết áp cao dẫn đến các cục máu đông, ngăn chặn việc cung cấp máu cho tim, làm giảm hiệu quả hoạt động của tim, gây tổn hại các mô tim dẫn đến chứng đau thắt ngực.
Khi huyết áp cao, tim phải co bóp nhiều hơn để bơm máu ra các mạch ngoại biên. Hậu quả của việc gắng sức lâu ngày này làm cơ tim dày lên, cứng hơn, ít đàn hồi giãn nở so với bình thường, gây suy giảm chức năng hút máu về tim. Lâu dần tình trạng này làm máu ứ đọng ở phổi gây khó thở, giảm khả năng làm việc gắng sức hoặc tức ngực.
Đột quỵ
Đột quỵ là tình trạng một phần của não bị ngừng cấp máu đột ngột do vỡ mạch máu hoặc do cục máu đông hoặc mảng xơ vữa gây tắc mạch máu não. Đột quỵ có xu hướng xảy ra ở người cao tuổi nhưng có đến 1/3 số người nhập viện vì đột quỵ là dưới 65 tuổi.
Bệnh cao huyết áp làm suy yếu các mạch máu nhỏ trong não khiến chúng bị vỡ, làm gián đoạn lưu lượng máu đến não gây tình trạng thiếu máu não thoáng qua, gy chóng mặt, hoa mắt, suy giảm nhận thức nhẹ, mất trí nhớ, đứt mạch máu não gây liệt, xuất huyết não dễ dẫn đến hôn mê và tử vong.
Theo nghiên cứu của Viện Tim mạch Quốc gia, cứ 10 người bị đột quỵ lần đầu thì 8 người mắc bệnh tăng huyết áp. Nguy cơ nghiêm trọng nhất của người bệnh tăng huyết áp là tử vong nếu không được cấp cứu điều trị kịp thời.
Biến chứng ở mắt
Huyết áp cao gây tổn thương các mạch máu nhỏ ở đáy mắt (nằm sau nhãn cầu, gọi là võng mạc, nơi thu nhận hình ảnh), gọi là bệnh võng mạc do tăng huyết áp.
Khi tăng huyết áp nặng hơn sẽ gây ra xuất huyết sau võng mạc hay phù gai thị, dẫn đến nhìn mờ hoặc mù. Tổn thương mức độ nhẹ có thể không có triệu chứng gì, chỉ phát hiện được khi khám mắt, chụp võng mạc nhận thấy mạch máu ngoằn ngoèo, cứng, hẹp, co thắt hoặc bị phù nề.
Phình và bóc tách động mạch chủ
Huyết áp cao gây tăng áp lực lên thành động mạch chủ, lâu ngày làm thành mạch bị suy yếu, phình giãn to ra. Cộng thêm huyết áp tăng cao lâu ngày dễ gây xé rách các lớp trong thành mạch dẫn đến bóc tách thành động mạch hay vỡ động mạch chủ, khiến người bệnh tử vong.
Bởi vậy, người bệnh tăng huyết áp có phình động mạch chủ cần kiểm soát huyết áp < 120/70 mmHg nên thường xuyên siêu âm tim, chụp cắt lớp động mạch phát hiện sớm biến chứng này.
>> Xem thêm: Bị huyết áp cao nên làm gì? Cách xử trí khi tăng huyết áp đột ngột
Rối loạn trí nhớ, sa sút trí tuệ
Tăng huyết áp làm tăng xơ vữa động mạch, dẫn đến nhồi máu não im lặng và bệnh lý chất trắng dưới vỏ não, là nguyên nhân dẫn đến rối loạn trí nhớ và sa sút trí tuệ. Nguy cơ sa sút trí tuệ (bệnh Alzheimer) tăng gấp 6 lần ở người bị đột quỵ sau 5 năm. Tỷ lệ bệnh đang tăng ở các nước châu Á, đặc biệt là các nước đang phát triển.
Rối loạn cương dương
1/3 số nam giới bị bệnh tăng huyết áp than phiền về rối loạn cương dương (bất lực), ảnh hưởng rất lớn đến chất lượng cuộc sống của họ. Trong một số trường hợp, rối loạn cương dương là dấu hiệu sớm của bệnh tăng huyết áp. Nguyên nhân là do tăng huyết áp gây tổn thương lớp nội mô của mạch máu, nơi tiết NO (nitrite oxide) – chất giúp giãn mạch ở dương vật giúp cương cứng dương vật. Tổn thương lớp nội mô mạch máu dẫn đến không tiết được NO, gây ra rối loạn cương dương.
Ảnh hưởng đến thận
Bệnh cao huyết áp gây suy thận do các mạch máu trong thận bị tăng áp lực dẫn đến hư hại. Thận được biết đến là một trong những bộ phận đóng vai trò giữ cho huyết áp của cơ thể được bình thường.
Ngoài ra, thận còn điều tiết các chất dịch của cơ thể, nước, muối… từ đó điều chỉnh huyết áp. Nếu người bệnh mắc huyết áp cao làm hư hại các mạch máu trong thận có thể làm ảnh hưởng đến chức năng lọc và làm hẹp động mạch thận gây suy thận.
Các biến chứng liên quan đến sức khỏe khác
Gây ra chuột rút
Huyết áp cao có tác động trực tiếp đến hệ thống mạch máu ở các chi, dẫn đến tình trạng các mạch máu bị thu hẹp và cứng lại, tạo điều kiện cho bệnh động mạch ngoại biên (PAD) phát triển. Điều này gây cản trở lưu thông máu đến chân, từ đó gây ra những cơn chuột rút đau đớn.
>> Xem thêm: Người bệnh huyết áp cao nên ăn gì để giữ trái tim khỏe mạnh?
Ảnh hưởng đến giấc ngủ
Mối liên hệ giữa huyết áp cao và giấc ngủ là rất chặt chẽ. Những người bị cao huyết áp có xu hướng gặp phải tình trạng ngưng thở trong khi ngủ, điều này khiến cho giấc ngủ bị ngắt quãng và dẫn đến cảm giác mệt mỏi. Nếu tình trạng ngưng thở này kéo dài, nó có thể làm tăng mức huyết áp, ngay cả khi bệnh nhân đang dùng thuốc điều trị.
Đau đùi và bắp chân
Tăng huyết áp sẽ ảnh hưởng lên toàn bộ hệ thống mạch máu trong cơ thể như động mạch cảnh, động mạch cột sống, động mạch chủ, động mạch nội tạng, đặc biệt là những mạch máu ở xa như động mạch hai chân.
Chính vì thế, người bệnh cao huyết áp có triệu chứng đau đùi hoặc bắp chân khi đi được một đoạn đường, ngồi nghỉ thì giảm hoặc hết đau nhưng khi đi lại đoạn đường dài tương tự thì lại đau trở lại (đau cách hồi). Giai đoạn muộn, người bệnh cao huyết áp sẽ cảm thấy đau nhức chân cả khi nghỉ ngơi hoặc vết loét chân không lành do mạch máu bị hẹp, không đưa máu tới được.
Nguy cơ mất xương
Ở những người lớn tuổi mắc huyết áp cao, tình trạng này có thể tác động đến quá trình chuyển hóa canxi trong cơ thể, khiến cho lượng canxi bị thải ra tăng lên. Qua thời gian, sự mất cân bằng canxi này có thể dẫn đến tình trạng loãng xương, làm gia tăng nguy cơ gãy xương.
Bệnh cao huyết áp là một bệnh lý nguy hiểm và gây ra nhiều biến chứng nghiêm trọng ảnh hưởng đến tính mạng mà chúng ta tuyệt đối không được xem thường. Hãy quan tâm đến sức khỏe của mình bằng cách thực hiện lối sống lành mạnh, tập luyện tại phòng tập thể hình và thường xuyên kiểm tra huyết áp đồng thời tuân thủ chỉ định của bác sĩ để tránh những biến chứng đáng tiếc.
Nguồn: Tổng hợp
Lưu ý: Thông tin trong bài viết trên đây chỉ mang tính tham khảo, bạn hãy đến bệnh viện hay liên hệ với Bác sĩ, chuyên viên y tế để được tư vấn và chẩn đoán chính xác nhất.
Đau bụng kinh nên làm gì? Mẹo giảm đau bụng kinh hiệu quả
Trật khớp cổ tay cần làm gì ngay?
Những dấu hiệu giãn dây chằng sau đầu gối phổ biến nhất
Tắm đêm bị gì? Có làm đột quỵ không?
Mổ dây chằng chéo trước bao lâu thì bỏ nẹp? Một số lưu ý sau khi phẫu thuật
Sơ cứu đột quỵ tại nhà đúng cách
Nhận biết triệu chứng tiểu đường giai đoạn đầu
Tìm hiểu nguyên nhân huyết áp cao và cách điều trị